Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Như chúng ta đã biết, hình tượng anh bộ đội cụ Hồ đã trở nên thật gần gũi, thân thương, là một biểu tượng đẹp, rất đáng tự hào của người Việt Nam. Những hi sinh, gian khổ mà họ trải qua trong chiến tranh; những ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm chiến thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội ta là dấu ấn sâu đậm, là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. 22/12 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta thể hiện niềm tự hào và biết ơn sâu sắc những chiến sĩ đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, hoà chung với không khí thiêng liêng chào mừng 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam .Thư viện trường xin được giới thiệu với các thầy cô giáo và các em học sinh cuốn sách “ Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa "
Cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào năm 2018, cuốn sách dày 90 trang, được in trên khổ 14,5x20,5cm. Cầm quyển sách trên tay, chúng ta nhìn ngay thấy hình ảnh trang bìa được in trên nền giấy trang nhã , với ngọn hải đăng khổng lồ, xa xa là cảnh mây trời bao la và những rặng núi điệp trùng, những cánh chim hải âu đang đùa giỡn với sóng biển. Trên nền biển xanh là dòng chữ vàng tươi ghi tên cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Ngay sau trang bìa là trang phụ, trang tên sách và lời giới thiệu của tác giả về Trường Sa - vùng biển đảo xa xôi của Tổ Quốc.
Sau lời giới thiệu cuốn sách, các em sẽ cùng tác giả Nguyễn Xuân Thủy du lịch đến với Trường Sa qua từng trang sách từ trang 7 đến trang 90. Chuyến du lịch đặc biệt ấy gồm 66 câu chuyện và được chia làm 6 chủ đề chính. Mỗi phần là những mẩu chuyện nhỏ, không dài lắm nhưng chứa đựng đầy đủ nội dung, giới thiệu về thiên nhiên, cây cối, loài vật và con người trên Quần đảo này.
Để có thể thám hiểm Trường Sa, trước hết các em sẽ phải làm quen với hành trình từ đất liền ra đảo. Đó là một hành trình đầy gian nan và chắc các em sẽ tự hỏi để ra được Trường Sa chúng ta đi bằng phương tiện gì, liệu mình có bị say sóng không nhỉ, chúng ta sẽ thấy gì trên quãng đường đi? Các em hãy đọc các mẩu chuyện “Bến cảng, Tàu, nhổ neo, Các chú thủy thủ, Ngủ trên tàu và 1 số câu chuyện từ trang 7 đến trang 19 để biết được hành trình ra đảo như thế nào nhé.
Đến với Trường Sa, các em còn được tận mắt nhìn thấy hình ảnh Cây bàng vuông, Cây bàng tròn, Cây phong ba, Cây bão táp, Cây tra mà trên đất liền chắc hẳn các em chưa từng thấy bao giờ. Hãy lật mở từ trang 22 đến trang 25 và trang 27 để tìm hiểu sự lạ kỳ, sức sống mãnh liệt của những loài cây đó nhé.
Cùng với những loài cây quý hiếm, các con vật ở đây cũng rất đáng yêu,đó là những con cá heo, cá chồn, loài chim, chú cá bò…v.v.
Thời tiết ở Trường Sa cũng đặc biệt lắm. Đến Trường Sa vào mùa biển lặng thì các em sẽ thấy biển bỗng trở nên dịu dàng và thân thiện đến lạ kỳ, con người và thiên nhiên như giao hòa với nhau. Trái ngược lại, vào mùa biển động nhìn ra tứ phía, các em chỉ thấy những con sóng tung bụi trắng xóa, cùng những tiếng gầm gào suốt ngày đêm.
Mặt biển và bầu trời Trường Sa cũng luôn chứa đựng những điều kì thú. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, trên vùng biển Trường Sa, các em có thể chứng kiến một vòng tuần hoàn của thiên nhiên từ nắng - mưa - giông - bão ; đủ sắc màu qua mỗi thời điểm bình minh và hoàng hôn, sự biến chuyển của màu sắc nước biển, tạo nên những vùng biển màu xanh lá cây. Thật tuyệt vời phải không các em. Trang sách 52 đến 58 sẽ đem đến cho chúng mình điều lý thú này.
Không dừng lại ở đó, chuyến du lịch đến Trường Sa còn giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống của con người nơi đây, công việc canh giữ đảo đầy gian khổ của các chú bộ đội Trường Sa.
Đó là những cán bộ luôn giữ cho những ngọn đèn hải đăng đêm đêm quay đều, soi sáng, dẫn đường, chỉ lối cho tàu thuyền, những người đi biển đi đúng hướng . Đó là những người lính luôn, có mặt để làm nhiệm vụ bảo vệ cột mốc chủ quyền của đất nước. Đã có những chú bộ đội ngã xuống, trên nền cờ đỏ của lá cờ Việt Nam, tung bay trên các đảo nhỏ tại Quần đảo Trường Sa, có cả máu của những người con đất Việt.
Đọc xong những mẩu chuyện nhỏ trong cuốn sách, chắc hẳn các em đều muốn viết thư ra Trường Sa cho các chú bộ đội. Điều đó thật đơn giản. Trang 90 - cũng là trang cuối cùng của cuốn sách sẽ hướng dẫn các em làm điều này. Những bức thư thăm hỏi, động viên của các em sẽ giúp các chú bộ đội Trường Sa làm việc thật tốt, chắc tay súng bảo vệ Tổ Quốc, để Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.
Cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” hiện có trong thư viện của trường, kính mời các thầy cô giáo và các em hãy đến thư viện nhà trường để mượn đọc tham khảo, cùng tìm hiểu, khám phá những điều thú vị về mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc này nhé.
Cuối cùng chúc quý thầy cô mạnh khỏe, chúc các em học sinh chăm ngoan, học giỏi.
Chân thành cảm ơn quý thầy cô và các em đã chú ý lắng nghe.