Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc, để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phải ý thức được rằng để có được cuộc sống hoà bình, độc lập ngày hôm nay, cha ông ta đã phải trải qua bao gian nan, bao đau thương, máu và nước mắt của bao người đã đổ xuống. Hướng tới kỉ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chúng ta hãy có những việc làm thiết thực thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình với những người có công với đất nước, ra sức học tập, rèn luyện đạo đức để góp phần xây đắp quê hương, Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Nhân kỷ niệm 47 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, trong không khí của ngày lễ trọng đại này thư viện trường TH Trung Thành xin giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách có tựa đề: “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân”
Ký sự tiểu thuyết “Mãi mãi một thời trai trẻ Thiếu sinh quân” Nhà xuất bản Kim Đồng đã viết về giai đoạn các em thiếu niên sau thời gian góp sức cùng lớp đàn anh trên các mặt trận kháng chiến, được sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ, Tổng Quân ủy Trung ương, trở về mái trường thiếu sinh quân học tập, rèn luyện, để sau này trở thành lớp người kế cận có trình độ quân sự và văn hóa, phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Cơ sở để tạo nên cấu trúc cuốn sách chính là các sự kiện có thật trong lịch sử biên niên của Trường Thiếu sinh quân Trung ương (sau đổi tên là Trường Thiếu sinh quân Việt Nam), được thành lập tại Thái Nguyên, trong Liên Khu Việt Bắc, tồn tại từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1951, mà nhà văn Ma Văn Kháng vinh dự là một thiếu sinh của trường từ những ngày đầu cho đến khi trường chuyển sang nước ngoài.
Tác phẩm được hoàn thành cơ bản chỉ trong vòng 28 ngày với gần 300 trang in khổ 13,5 x 20,5cm. Và như nhà văn Ma Văn Kháng lý giải, ấy là vì sự thúc ép của tuổi tác, và sự trỗi dậy giục giã của ký ức. “May mắn, khi tuổi đã cao, sự sa sút trí tuệ đã xuất hiện, tôi vẫn còn chút minh mẫn để nhớ lại các chuyện đã xảy ra cách đây 70 năm, với nhiều hương vị sắc màu xúc cảm riêng… Tôi còn nhớ như in cảnh sắc không khí một chuyến đò dọc, chân dung đặc điểm những con người thuộc nhiều tầng lớp và gần như toàn bộ cuộc sống sinh hoạt ngôn ngữ của lớp thiếu niên chúng tôi thời đó và cố dựng lại bằng nghệ thuật tiểu thuyết”.
Miêu tả lại cảnh quan, không khí sinh hoạt một thời, cuốn sách đã khắc họa sinh động và rõ nét chân dung một lớp thiếu niên: Yêu nước, gan dạ, thông minh, đa năng, nhiệt thành và được rèn luyện học tập hấp thu một nền văn hóa có tác dụng hình thành nhân cách thế hệ thanh niên hữu ích cho xã hội.
Tác phẩm “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Những phút giây xúc động sẻ chia cùng nhau nỗi nhớ nhà, san sẻ nâng đỡ nhau trong lúc yếu đau mệt mỏi. Những giờ phút gay cấn khi trường bị địch tấn công. Hay khoảnh khắc căng thẳng rồi cười ra nước mắt trước trò nghịch ngợm của bộ ba tướng - sĩ - tượng. Phút giây vỡ òa hạnh phúc của những Thiếu sinh quân nhỏ tuổi khi được gặp Bác Hồ... Quê hương tuổi thơ - làng Kim Liên xưa với những nét đẹp cổ kính, giàu truyền thống văn hóa cũng được nhà văn ưu ái, dành những trang viết chất chứa niềm tự hào. Hình ảnh người cha tháo vát, người mẹ tảo tần - “những công dân lương thiện và quả cảm, biết hy sinh chịu đựng, giàu lòng yêu nước” - cũng được khắc họa với tất cả tình yêu thương, lòng thành kính, và biết ơn.
Cuốn sách “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” hiện có trong thư viện của trường, kính mời các thầy cô giáo và các em hãy đến thư viện nhà trường để mượn đọc tham khảo, cùng tìm hiểu, khám phá những điều thú vị trong cuốn sách này nhé.
Cuối cùng, xin gửi lời chúc tới tất cả các thầy, cô giáo và các em học sinh sức khoẻ, có nhiều thành công trong công tác giảng dạy và học tập.
Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh đã lắng nghe!