Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Em tên là: Phạm Thị Trang. Học sinh lớp 5A4: Đến với buổi giới thiệu sách hôm nay em xin kính chúc các thầy cô giáo và các bạn học sinh mạnh khỏe.
Các bạn ạ!
Đất nước Việt Nam ta có bốn mùa, mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Khởi đầu cho một năm mới là mùa Xuân xinh đẹp và tràn đầy nhựa sống. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, những cánh én từ phương Nam bay tới xua đi cái lạnh lẽo, rét buốt của mùa đông. Hơi thở ấm áp của mùa xuân đang lan dần khắp các ngõ phố, trên các con đường quê. Màu sắc tươi tắn của các loài hoa như bừng thắm hơn trong nắng xuân.
Trong không khí tươi vui náo nức của những ngày đầu năm, Lễ hội Việt Nam là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. "Lễ" là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. "Hội" là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.
Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là vùng văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.
Một số lễ hội lớn tiêu biểu như: Hội Gióng, lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính, Hội Lim, Yên Tử……..
Ở Việt Nam, lễ hội là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta có hàng nghìn năm lịch sử, thể hiện sự ghi nhận công đức và lòng tri ân của các thế hệ đối với các bậc tiên hiền đã có công giúp dân khai hoang, lập ấp, trồng trọt, chăn nuôi; đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Lễ hội mang truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, của mỗi vùng miền, phản ánh những nét đẹp văn hoá truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo,... Hầu hết các lễ hội đều mang tính giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc với truyền thống lịch sử vẻ vang mà cha ông ta đã gây dựng với những sự hy sinh to lớn, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và xã hội.
Đến với lễ hội, mọi người như được tăng thêm sức mạnh tinh thần với đời sống tâm linh huyền bí. Theo đó, mọi người tự nhận thấy phải luôn sống hướng thiện, sống có đạo đức, cùng cầu cho quốc thái dân an, bản thân và gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, ai cũng phải có trách nhiệm với quê hương, đất nước nên nhiều người đã làm nhiều việc tốt hơn, con người trở nên hoàn thiện hơn .
Vì vậy, lễ hội cần phải được duy trì và phát triển theo định hướng tích cực. Hy vọng lễ hội ở nước ta ngày càng phù hợp với đời sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của người dân và lễ hội phải thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Điều quan trọng là phải nhận thức đúng về những giá trị tích cực của lễ hội, không vì một số hiện tượng đơn lẻ mà làm mất đi những cái hay, cái đẹp và giá trị thật của lễ hội./.
Cuốn truyện “Lịch lễ hội Việt Nam” hiện có trong thư viện của trường, kính mời các thầy cô giáo và các em hãy đến thư viện nhà trường để mượn đọc tham khảo, cùng tìm hiểu, khám phá những điều thú vị trong cuốn truyện này nhé.
Và nhân dịp năm mới chúc các thầy cô và các con học sinh một năm mới mạnh khỏe, học tập và công tác tốt.
Xin chân thành cảm ơn.!