GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1 NĂM 2025
Chủ đề “Tết Cổ Truyền ”
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Các con học sinh yêu quý! Các con vừa trải qua những ngày nghỉ Tết dương lịch vui vẻ và đầm ấm bên gia đình. Chắc chắn tất cả các con ở đây đều thích Tết phải không nào. Cô cũng rất thích Tết các con ạ. Trong ngày Tết mọi thứ đều tươi mới và rực rỡ, năm mới đến gắn liền với Tết- cái Tết cổ truyền của dân tộc. Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp.
Ngày Tết được mọi người mong đợi vì có đêm giao thừa thiêng liêng với pháo hoa rực rỡ, có kì nghỉ Tết sum họp gia đình với bánh chưng và mứt Tết, có những phong bao lì xì đỏ rực niềm vui. Để tìm hiểu rõ hơn về ngày Tết cổ truyền dân tộc, hôm nay Thư viện trường xin giới thiệu với các thầy cô giáo cùng các em học sinh cuốn truyện “Sự tích bánh chưng bánh dày" do NXB Mỹ Thuật ấn hành, dày 12 trang, khổ 19 x 27cm với bìa sách đẹp, bắt mắt.
Người Việt Nam không ai là không biết về sự tích bánh chưng bánh dày. Sự tích bánh chưng bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống hiếu kính; lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của của bánh chưng, bánh dày là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.
Các em yêu quý! Trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà dân tộc Việt Nam đó là món bánh chưng xanh. Vì sao có bánh chưng xanh? Vì sao bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày Tết như vậy?
Cuốn “Sự tích bánh chưng bánh dày” ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu với cha mình là Vua Hùng thứ 6. Qua đây, các bạn sẽ hiểu tại sao bánh dày, bánh chưng lại mang ý nghĩa tượng trưng cho công cha-nghĩa mẹ và biết vì sao vào dịp Tết, mọi gia đình Việt đều bày hai loại bánh này trên bàn thờ để tưởng nhớ công ơn các bậc tổ tiên. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Vua Hùng thứ 6 có 20 người con trai. Tất cả đều thông minh, văn hay võ giỏi. Trong đó chỉ có hoàng từ thứ 18 là Lang Liêu chỉ thích trồng trọt.
Khi vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, Vua phán truyền “Đến ngày hội lớn đầu năm, ai dâng được của ngon vật lạ nhất để cúng trời đất sẽ được ta truyền ngôi cao”.
Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống núi tìm của ngon vật lạ. Riêng hoàng tử Lang Liêu nghĩ mình sẽ dâng vua cha sản vật từ chính đồng quê của mình. Chàng cùng vợ con chăm sóc cho cánh đồng lúa quê hương. Đến vụ bội thu, chàng suy nghĩ tìm cách làm bánh rồi ngủ thiếp đi mất, trong giấc mơ chàng được một vị thần báo mộng ý nghĩa và cách làm các loại bánh từ gạo nếp. Chàng cùng mọi người chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói thành một thứ bánh vuông, bọc lá xanh. Mọi người cùng nhau dã gạo nếp giã nhuyễn và nặn thành một thứ bánh mịn màng, cẩn thận cho từng cái bánh.
Ngày hội lớn đầu năm đã đến, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Đến lượt, Lang Liêu trình mâm bánh của mình lên, thấy lạ ai cũng xúm lại xem. Vua Hùng sau khi nếm thử và được nghe ý nghĩa của hai loại bánh. Ông chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh dày. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chưng và giã bánh dày trong dịp Tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Cuốn truyện “Sự tích bánh chưng bánh dày” hiện có trong thư viện của trường, kính mời các thầy cô giáo và các em hãy đến thư viện nhà trường để mượn đọc tham khảo, cùng tìm hiểu, khám phá những điều thú vị trong cuốn truyện này nhé.
Và nhân dịp năm mới chúc các thầy cô và các con học sinh một năm mới mạnh khỏe, học tập và công tác tốt.
Xin chân thành cảm ơn.