NGƯỜI THẦY
Trường Tiểu học Trung Thành, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã có rất nhiều cố gắng, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện, đẩy mạnh việc thực hiện ba cuộc vận động lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”; và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Để có được những kết quả mà nhà trường đạt được là nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi của Hội đồng sư phạm nhà trường, đặc biệt là thành tích của cô giáo đầy nhiệt huyết và năng lực: cô Đinh Xuân Thanh.
Cô sinh ra và lớn lên tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ngay từ nhỏ, cô Thanh đã có niềm đam mê với nghề dạy học vì mẹ cô cũng là một giáo viên Tiểu học. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 1992, cô thi vào khoa Tiểu học, trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Sau 3 năm học tập, rèn luyện dưới mái nhà khoa Tiểu học, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, năm 1995, cô tốt nghiệp, ra trường với tấm bằng Giỏi. Với mong muốn được tìm hiểu thêm nhiều kiến thức của mình, cô đã tiếp tục theo học lớp Đại học chuyên ngành Tiểu học của khoa Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp loại Khá.
Nhắc đến cô, học sinh, phụ huynh cũng như những đồng nghiệp trong trường ai cũng biết. Họ biết đến cô bởi lòng yêu nghề, sự hăng say, sự tận tụy, nhiệt tình trong công tác, bởi bảng thành tích rất đáng nể của cô. Rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, giấy khen giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp thành phố. Với đức tính giản dị, nhiệt tình, năng động và ham học hỏi, cô Thanh luôn cố gắng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức người giáo viên, không ngừng học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với đồng nghiệp để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học, truyền dạy cho học trò những kiến thức văn hoá trên bục giảng, cũng như vốn kinh nghiệm sống sau này.
Những giờ học thú vị trên lớp hay những giờ sinh hoạt ngoại khoá, cô luôn thân thiện, gần gũi với học trò, cô coi học trò như những đứa con của mình, đây chính là những phẩm chất tốt tạo niềm tin yêu, sự kính trọng của các em học sinh đối với cô. Học sinh hiểu bài, luôn chăm chỉ và đạt kết quả cao trong học tập là một trong những nguồn động viên lớn khích lệ cô phải phấn đấu hơn nữa để đáp lại niềm tin yêu, sự kính trọng của học trò.
Là một giáo viên chủ nhiệm, với hơn 26 năm kinh nghiệm đứng lớp, cô đã dạy rất nhiều thế hệ học trò. Học trò của cô bây giờ rất nhiều em khôn lớn và thành đạt. Hàng năm, các em vẫn quay về trường để cảm ơn cô giáo một thời dạy dỗ. Có những em còn đang cùng cô dạy dỗ các em học sinh trong trường.
Thời học phổ thông, cô học rất giỏi. Thế nhưng cô chọn Sư phạm làm bến đỗ của mình. Những năm tháng đi học Sư phạm, cô đã cố gắng hết mình. Cô luôn mong ước được đứng trên bục giảng để có thể truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Với hơn 25 năm kinh nghiệm đứng lớp, cô nhận thấy học sinh giờ đây hiếu động hơn trước rất nhiều. Là một giáo viên tâm huyết với nghề, cô luôn đau đáu với chất lượng dạy học và giáo dục học sinh. Những buổi dạy bao giờ cô cũng liên hệ nội dung bài học để giáo dục các em. Cô luôn muốn các em học hành chăm chỉ để sau này có một tương lai tươi sáng. Không những thế cô còn là một trong những tấm gương có thành tích cao trong giáo dục học sinh tự kỉ, chậm phát triển trong nhiều năm chủ nhiệm và giảng dạy lớp 2. Cô chia sẻ, cô đã rất vui khi học sinh của mình làm được những điều đơn giản như đọc bài, tính toán, ...."Những điều tưởng như đơn giản ở đứa trẻ khác, đối với trẻ tự kỷ lại là điều thần kỳ" - cô xúc động nói - "Giáo viên dạy trẻ bình thường đã vất vả, còn các cô giáo dạy trẻ tự kỷ không chỉ có khó khăn mà còn muôn vàn áp lực". Đối với trẻ mắc chứng tự kỷ, cô giáo không thể quyết định hôm nay học cái này, làm cái kia. Phần lớn giờ học phải tùy vào tình trạng của trẻ. Đối với trẻ tự kỷ, mỗi em sẽ có một chứng bệnh. Em thì thu mình vào một thế giới riêng, không nói chuyện với ai, em lại nói quá nhiều, em lại mắc chứng không chịu tập trung. Có những bạn tiếp thu chậm, cũng nhiều bé thông minh, tiếp thu nhanh nhưng dễ quên, thời gian tập trung không được lâu. Với mỗi bé, cô giáo sẽ có sự can thiệp khác nhau, không bé nào có chương trình hay giáo án giống nhau. Ngoài ra, điều cô giáo cần là sự nhẫn nại, không từ bỏ và tìm ra cách giáo dục riêng. "Ngoài kỹ năng sư phạm, giáo viên cần có sự quan sát, yêu mến, cảm thông với số phận các em mắc bệnh". Sự an ủi và niềm vui lớn nhất của cô giáo dạy trẻ tự kỷ là sự tiến bộ của các con mỗi ngày. Sự thay đổi tuy ít và chậm, nhưng đối với cô và trò đều rất đáng quý.
Cô luôn quan tâm đến tất cả các em học sinh trong lớp để có các phương pháp kịp thời giúp các em không ngừng tiến bộ. Đặc biệt với những học sinh giỏi, cô luôn có phương pháp để bồi dưỡng, giúp các em phát huy hết khả năng của mình. Là người giáo viên, cô luôn ý thức rằng trách nhiệm của người thầy là sự tận tâm trong dạy học, tạo điều kiện để học sinh có thể phát huy hết khả năng, năng lực của mình. Ngoài năng lực chuyên môn, cô luôn gần gũi với học trò, hiểu tâm lý, hành động phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi giúp các em vượt qua mọi khó khăn. Đối với cô, giáo viên Tiểu học là người không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn dạy về đạo đức, tạo ra môi trường học tập an toàn, giúp học sinh mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân. Cô Thanh cho biết, trong các giờ sinh hoạt trên lớp, cô luôn tạo ra không khí vui tươi, thoải mái, tạo cơ hội cho học sinh “học mà chơi, chơi mà học” thông qua các trò chơi dân gian, thi đấu cờ vua, cờ tướng, xây dựng kệ sách đọc chung... Đặc biệt, khi lớp có học sinh khuyết tật hòa nhập, cô đều dành nhiều thời gian tìm hiểu, chia sẻ tâm tư, tình cảm với học sinh đó; đồng thời tổ chức thêm các hoạt động giao lưu, giúp các bạn trong lớp có cơ hội gần gũi, giúp đỡ bạn học kém may mắn, cô còn tổ chức cho các em những hình thức học tập thú vị như đôi bạn cùng tiến, tặng những phần quà nhỏ nhỏ vào cuối mỗi tuần giúp các em vui vẻ để phấn đấu trong những tuần học tiếp theo. Cô luôn tâm niệm, mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt, nhiệm vụ của giáo viên là tạo ra môi trường học tập, vui chơi phù hợp, tạo cảm giác vui vẻ, hứng thú khi học, giúp học sinh phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, tiếp thu bài một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Những giờ học thú vị trên lớp hay những giờ sinh hoạt ngoại khoá, cô luôn thân thiện, gần gũi với học trò, cô coi học trò như những đứa con của mình.
Cô Thanh cùng các con học sinh trong dịp tham quan ngoại khóa.
Trải qua 25 năm “gõ đầu trẻ”, cô cho biết sợi dây ân tình lớn nhất giữ chân cô với nghề chính là sự trân quý, tôn trọng của phụ huynh và học sinh. Với chuyên môn vững vàng, cách dạy hiệu quả và sự tận tâm dành cho học trò, cô được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ là Tổ trưởng chuyên môn khối 2. Với vai trò này, thông qua các buổi họp tổ, cô thường xuyên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên trong tổ để có cách giảng dạy phù hợp nhất. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Là một giáo viên cốt cán của khối 2, cô luôn làm gương để chúng tôi học tập. Với những kiến thức đã được học ở trường, kinh nghiệm đúc kết từ công việc thực tế và không ngừng học hỏi bạn bè đồng nghiệp, những thế hệ đi trước, trong các đợt thi cấp cụm, huyện, thành phố, cô đều được đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các kĩ năng xử lí tình huống của mình. Trong những giờ lên lớp, cô luôn tạo tình cảm thân thiện, niềm nở, gần gũi với các học trò, giúp các em có hứng thú và niềm đam mê học tập, rèn luyện. Không chỉ truyền cho học sinh những kiến thức bổ ích, cô còn là một giáo viên chủ nhiệm – người mẹ hiền thứ hai của các con học sinh. Cũng chính bằng niềm đam mê ấy, cô đã hoàn thành xuất sắc cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố năm 2005.
Là một cô giáo có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, uy tín với bạn bè, đồng nghiệp, cô luôn hoàn thành tốt các công việc nhà trường, cấp trên giao phó, có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy cũng như chủ nhiệm lớp. Tôi thật may mắn khi được là đồng nghiệp cùng khối với cô, được cô chỉ bảo, chia sẻ, truyền đạt biết bao kinh nghiệm quý báu. Tôi đã học tập được nhiều từ cách làm việc chuyên nghiệp, cẩn thận và chu đáo của cô. Thành tích mà cô đạt được là niềm vinh hạnh đối với bản thân và góp thêm thành tích cho nhà trường. Cô vẫn nói “Thành tích là sự cố gắng nỗ lực của học sinh và tập thể nhà trường” nhưng chính cô đã góp phần không nhỏ vào thành tích đó.
Công việc bộn bề, hầu như ngày nào cô cũng ở trường từ sáng sớm đến tối mịt, có những tối mùa đông lạnh buốt, tôi vẫn thấy cô làm việc. Vất vả là thế, tận tụy là thế nhưng cô rất may mắn khi có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ luôn ở bên động viên và ủng hộ cô. Không chỉ là một giáo viên giỏi, cô còn là người con ngoan ngoãn, hiếu thảo với bố mẹ. Nhiều người hỏi về bí quyết, cô tâm sự “Ước mơ của tôi từ nhỏ là được làm cô giáo. Tôi yêu nghề giáo và yêu những cô cậu học trò hồn nhiên. Tôi muốn truyền niềm đam mê và tình yêu ấy cho thật nhiều thế hệ học trò. Những điều này luôn là nguồn động lực để làm tốt mặc dù đôi khi có chút khó khăn”, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Bởi nếu không có tình yêu thương, đến với nghề bằng cái tâm trong sáng, tận tụy hết lòng vì học sinh, giáo viên sẽ khó làm tròn thiên chức “trồng người”. Cô cho biết, sau 25 năm đi dạy, phần thưởng lớn nhất đối với cô không phải là giải thưởng, thành tích mà là sự tin yêu, tiến bộ của học trò. Các em có thể gọi cô bằng nhiều tên gọi khác nhau, nhưng sau khi ra trường vài chục năm mà vẫn nhớ và quay về thăm cô giáo cũ, đó là hạnh phúc nhận lại từ sự “cho đi” mà không phải nghề nào cũng có được.
Những lời tâm sự ấy của cô như thôi thúc, thức tỉnh trong tôi phải phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người. Những thành công mà cô đạt được đã đánh dấu trong sự nghiệp trồng người của cô, đó là nền tảng, là động lực để cô phấn đấu, làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình. Những cố gắng nỗ lực của cô góp phần không nhỏ vào bảng thành tích của nhà trường nói riêng và của nền giáo dục huyện Gia Lâm nói chung và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Cổ Bi, ngày 27 tháng 11 năm 2021
Người viết
Vũ Hoài Thu